Tính đến thời điểm hiện tại, hình thức đầu tư gián tiếp thông qua việc mua cổ phần của tổ chức tín dụng có xu hướng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Để cung cấp câu trả lời đầy đủ và chuẩn xác nhất cho câu hỏi “Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Tổ chức tín dụng Việt Nam? Hình thức, tỷ lệ để được mua cổ phần như thế nào?” Dịch thuật – Visa Khánh An giải đáp các câu hỏi trên qua bài viết sau.
Nhà đầu tư nước ngoài là gì? Nhà đầu tư nước ngoài có quyền đầu tư sở hữu cổ phần của những tổ chức tín dụng nào?
Theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Tổ chức nước ngoài và cá nhân nước ngoài, trong đó:
– Cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam, hoặc là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài.
– Tổ chức nước ngoài bao gồm: Tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại Việt Nam; và Tổ chức, quỹ đóng, quỹ thành viên, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền đầu tư vào tổ chức tín dụng cổ phần, tức những tổ chức tín dụng được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, bao gồm:
- Ngân hàng thương mại cổ phần
- Công ty tài chính cổ phần
- Công ty cho thuê tài chính cổ phần
- Những tổ chức tín dụng đang thực hiện chuyển đổi hình thức pháp lý từ tổ chức tín dụng hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn thành tổ chức tín dụng hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Miễn là các tổ chức tín dụng này đã thỏa mãn những điều kiện để được chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài như: phải có phương án cổ phần hóa, phương án chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải có phương án tăng vốn điều lệ, phương án bán cổ phiếu quỹ được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Hình thức mua cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài
Bên cạnh điều kiện nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thì họ có thể mua cổ phần của tổ chức tín dụng theo hình thức nào và tỷ lệ sở hữu cổ phần bao nhiêu phần trăm?
Về hình thức mua cổ phần của tổ chức tín dụng
Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua 03 hình thức sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần.
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần bán cổ phần để tăng vốn điều lệ hoặc bán cổ phiếu quỹ.
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý thành tổ chức tín dụng cổ phần.
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần
Về cơ bản, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là lĩnh vực chứa nhiều rủi ro và cần phải bảo đảm hệ số an toàn vốn. Do đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Song song với cá nhân nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam và hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam chuyển giao công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành (tức nhà đầu tư chiến lược nước ngoài), thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của đối tượng này được nâng lên ở mức không vượt quá 20% vốn điều lệ.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Riêng đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.
Điều kiện sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài việc bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng, trong một số trường hợp đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài còn bắt buộc phải thỏa mãn thêm một số điều kiện cụ thể như sau:
Đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam trở lên
– Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức nước ngoài được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên.
– Có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
– Không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần.
– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ đô la Mỹ (USD) đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ đô la Mỹ (USD) đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
– Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức nước ngoài được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên.
– Có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
– Không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần.
– Là ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính. Công ty tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty tài chính Việt Nam. Công ty cho thuê tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty cho thuê tài chính Việt Nam.
– Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên.
– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.
– Có văn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.
– Không sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác tại Việt Nam;
– Cam kết hoặc đã sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng Việt Nam mà tổ chức nước ngoài đề nghị mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Nếu có nhu cầu tư vấn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục để được thực hiện đầu tư mua cổ phần của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, Quý khách có thể liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới. Dịch thuật – Visa Khánh An sẵn sàng tư vấn các vấn đề pháp lý với chuyên môn hơn 10 năm kinh nghiệm, tận tâm hỗ trợ các vấn đề cần giải đáp của khách hàng!
CÔNG TY TNHH DỊCH THUẬT – VISA KHÁNH AN📌: 85 Mậu Thân, P Xuân Khánh, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ
(Cạnh Chùa Bửu Trì, Cầu Rạch Ngỗng 1) 📞 : 02923 734 995 📧 : dichthuatkhanhan@gmail.com Zalo : 0842 224 254 Facebook: Dịch thuật – Visa Khánh An |
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh mới nhất năm 2024
- Thủ tục thành lập chi nhánh công ty mới nhất năm 2024