1. Điều kiện Tòa án xem xét giao con cho cha, mẹ khi ly hôn
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn như sau:
– Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, vợ chồng có thể thỏa thuận con sẽ do ai nuôi dưỡng sau ly hôn. Khi không có thỏa thuận thì Tòa án sẽ dựa vào nhiều yếu tố như tài chính, đạo đức nhân phẩm, thời gian chăm sóc giáo dục con hay các yếu tố về vật chất và tinh thần.
2. Thất nghiệp, có cơ hội nào giành được quyền nuôi con sau ly hôn không?
Để được giành quyền nuôi con khi ly hôn, cha/mẹ phải chứng minh mình có đủ các điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất về mọi mặt:
– Về điều kiện kinh tế: Phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập đảm bảo, tài sản, nơi ở ổn định…
– Về tinh thần: Phải chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, …
Ngoài ra, cha/mẹ có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái như: Thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định, không có thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Do vậy, khi vợ/chồng đang bị thất nghiệp và không đủ điều kiện kinh tế trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, chồng/vợ cũ có quyền đề nghị tòa án thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn.
Điểm a, khoản 2, Điều 84, luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cho phép: “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” có thể được tòa án chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu người vợ/chồng đang bị thất nghiệp nhưng vẫn đảm bảo điều kiện kinh tế do vẫn có thu nhập khác thì vẫn được nuôi con, dù chồng/vợ cũ kiện ra tòa thì yêu cầu đó cũng không được chấp thuận.
3. Cần chuẩn bị bằng chứng gì để giành quyền nuôi con
3.1. Có điều kiện vật chất đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất cho con
Cha mẹ muốn giành quyền nuôi con cần có các điều kiện đáp ứng cho sự phát triển của con như có thu nhập ổn định thông qua công việc ổn định và hợp pháp, lương cao, có chỗ ở ổn định và có tài sản khác đảm bảo cho sự phát triển của con.
3.2. Có điều kiện tinh thần
Ngoài vật chất, yếu tố tinh thần cũng là một trong những vấn đề quan trọng. Các điều kiện về tinh thần, cha mẹ cần đáp ứng để giành quyền nuôi con khi ly hôn gồm: có thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục con; có sức khỏe ổn định để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; có nhân thân, đạo đức tốt.
3.3. Chứng minh có nhiều điều kiện khác tốt cho con hơn đối phương
Ngoài yếu tố về vật chất và tinh thần, cha hoặc mẹ cũng cần phải chứng minh các điều kiện khác như có thể tạo môi trường đảm bảo cho con về nơi ăn, ở, đi lại và học tập của con. Có các điều kiện vui chơi giải trí giúp con phát triển lành mạnh.
3.4. Chứng minh đối phương không đáp ứng điều kiện nuôi con trực tiếp
Đây được xem là một trong những yếu tố để Tòa án xem xét điều kiện tốt nhất cho con. Bởi lẽ nếu xét về vật chất, tinh thần và các điều kiện khác thì cả cha và mẹ đều có thể chứng minh tương tự như nhau. Những vấn đề cần chứng minh trong trường hợp này có thể kể đến:
– Trong thời gian đang chung sống, đối phương không quan tâm đến con, hay đánh đập con hay ngăn cản, không tạo điều kiện cho con được phát triển toàn diện của con.
– Chứng cứ chứng minh đối phương vi phạm nghĩa vụ vợ chồng dẫn đến ly hôn: bằng chứng ngoại tình, bạo lực gia đình,….
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải cứ liệt kê ra những điều kiện, yếu tố như trên là được mà cha mẹ cần phải có những bằng chứng rõ ràng, cụ thể và đầy sức thuyết phục để Tòa án căn cứ vào đó xem xét, quyết định người trực tiếp nuôi con.
Trên đây là những thông tin cần biết về trường hợp thất nghiệp thì có cơ hội nào giành được quyền nuôi con hay không. Để được tư vấn chi tiết các bạn có thể liên hệ chúng tôi qua thông tin dưới đây.
CÔNG TY TNHH DỊCH THUẬT – VISA KHÁNH AN
📌: 85 Mậu Thân, P Xuân Khánh, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ (Cạnh Chùa Bửu Trì, Cầu Rạch Ngỗng 1) 📞 : 02923 734 995 📧 : dichthuatkhanhan@gmail.com Zalo : 0842 224 254 Facebook: Dịch thuật – Visa Khánh An |