Bài viết dưới đây sẽ cho người đọc thấy được những cách thức lừa đảo tinh vi qua tuyển dụng tại các việc làm qua ứng dụng Telegram của kẻ gian và bên cạnh đó là những lưu ý, cảnh báo lừa đảo đến mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên vừa mới ra trường.
Hiện nay nhu cầu tìm việc làm sau khi ra trường luôn được sinh viên quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, với thực trạng của thị trường lao động hiện nay cho thấy để tìm được một công việc thỏa mãn với những yêu cầu của một sinh viên mới ra trường hầu như là không dễ dàng bởi thị trường tuyển dụng hầu như không hoạt động sôi nổi như trước, nhu cầu tuyển dụng ít nhưng nhu cầu tìm việc thì lại rất nhiều. Do đó, đánh vào tâm lý nôn nóng tìm việc để ổn định cuộc sống của sinh viên mới tốt nghiệp thì nhiều kẻ gian đã tận dụng thời cơ này để thực hiện hành vi giả dạng nhà tuyển dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ứng dụng Telegram là gì?
Tương tự như những ứng dụng nhắn tin khác như Facebook, Zalo, Instagram… thì Telegram là một ứng dụng dùng để nhắn tin miễn phí, được phát triển bởi hai anh em Nikolai và Pavel Durov và cho ra mắt vào năm 2013. Telegram có những tính năng và chức năng vô cùng độc đáo khác và mang tính riêng tư, bảo mật cao, tốc độ truy cập nhanh và có thể truy cập nhiều thiết bị khác nhau cùng lúc.
Do đánh vào tâm lý nhu cầu tìm việc của sinh viên mà nhiều kẻ gian đã tận dụng thời cơ này để dễ dàng thực hiện hiện hành vi lừa đảo hơn. Bằng nhiều chiêu trò khác nhau, nhưng gần đây nhất là kẻ gian tận dụng ứng dụng Telegram để thực hiện. Do sinh viên đăng ký công khai các tài khoản hồ sơ xin việc online trên các trang web tuyển dụng, tìm việc làm khác nhau mà từ đây các thông tin cá nhân của sinh viên sẽ bị kẻ gian lấy để liên hệ tiếp cận.
Chiêu bài lừa đảo việc làm qua ứng dụng Telegram
- Sau khi có được thông tin, chúng bắt đầu liên hệ đến sinh viên, lấy lý do liên hệ rằng bên công ty đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí nào đó bất kì (thường là vị trí ứng tuyển của sinh viên). Tuy nhiên, chúng giả danh tên công ty để tuyển dụng vì trên thực tế những công ty này không có đăng bài hay nhu cầu tuyển dụng.
- Sau cuộc gọi giới thiệu từ điện thoại, kẻ gian sẽ tiến hành kết bạn Zalo, với lý do là trao đổi thêm thông tin cũng như gửi mô tả công việc của vị trí tuyển dụng. Ở giai đoạn này, hành vi của chúng càng tinh vi hơn khi lập hẳn một file PDF mô tả công việc cũng như mức lương nhằm đánh vào tâm lý của sinh viên, đặc biệt để củng cố niềm tin, chúng giả dạng con dấu công ty khác để tinh vi hơn khi thực hiện hành vi lừa đảo này.
- Khi đã tạo được niềm tin đối với sinh viên, chúng đề nghị nạn nhân tải ứng dụng và đăng ký tài khoản Telegram để trao đổi công việc. Lúc này, chúng sẽ thông báo lịch hẹn phỏng vấn trực tiếp, tuy nhiên trước ngày phỏng vấn sẽ có 01 buổi training online qua ứng dụng Telegram, nhưng thực chất buổi “training” này sẽ thực hiện việc lừa đảo vì nội dung buổi training không liên quan đến nội dung vị trí công việc tuyển dụng.
- Theo đó, kẻ gian sẽ tạo nhóm trên ứng dụng Telegram, tất cả thành viên trong nhóm đều là người của chúng, chúng cài vào để mồi chài, bẫy người tham gia. Khi bị dẫn dụ vào nhóm, ứng viên sẽ bị yêu cầu thực hiện các vòng nhiệm vụ 1,2,3… để hoàn thành khảo sát và kèm theo đó là yêu cầu: “Thực hiện yêu cầu của mỗi vòng là trách nhiệm của ứng viên, để đánh giá thái độ, sự nhiệt tình giúp công ty tạo ra giá trị, ghi điểm với bộ phận tuyển dụng”.
Đầu tiên, vòng 1 sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi về thông tin cá nhân và gửi cho người quản lý thứ nhất. Sau đó, sinh viên sẽ gửi số tài khoản ngân hàng của mình cũng như một số thông tin khác để nhận tiền khi hoàn thành vòng 1. Chúng hứa hẹn số tiền đóng sẽ được hoàn lại bằng mức hoa hồng hấp dẫn: “Mức đóng tiền lớn, số tiền hoàn lại càng cao”. Khi hoàn thành nhiệm vụ 1, chúng tiếp tục yêu cầu làm nhiệm vụ 2 với số tiền lớn hơn nhiều. Ứng viên nghi ngờ, muốn rút lại tiền thì bị yêu cầu phải hoàn thành ba nhiệm vụ mới được rút. Bên cạnh đó, chúng thực hiện củng cố niềm tin ứng viên bằng cách cho nhân viên của mình có trong nhóm nhắn tin riêng với nội dung chủ yếu như “Mình đã nhận lại tiền, vừa nhận tháng lương đầu tiên, lương khá lắm” hoặc là “Cứ yên tâm đi, chị nhà bác mình đang làm cho công ty này. Chị ấy bảo cứ làm theo các anh ấy, không lo gì đâu. Có vấn đề gì chị ấy chịu trách nhiệm”
Theo đó, khi các ứng viên cứ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với mong muốn được hoàn trả lại tiền thì có ứng viên nạp xong lần ba với số tiền rất lớn cũng không thể lấy lại được tiền, lúc này chúng lại báo: “Vì bạn đã nạp sai lệnh, nên mất tiền và muốn lấy lại phải nạp thêm, nếu không sẽ mời ra khỏi nhóm”. Nhiều ứng viên biết bị lừa, tâm lý muốn lấy lại tiền, nhưng càng nạp thì càng mất.
Những lưu ý khi ứng tuyển xin việc thông qua các trang Web
Với những thủ đoạn tinh vi có tổ chức của kẻ gian thông qua ứng dụng Telegram nêu trên, các bạn sinh viên mới ra trường, chưa thật sự có nhiều kinh nghiệm cũng như tâm lý nôn nóng tìm việc mà mất đi cảnh giác đối với những chiêu trò lừa đảo tinh vi này. Vì vậy, sinh viên khi tìm và ứng tuyển cần lưu ý:
- Tìm hiểu thông tin về công ty, có thể tra cứu mã số thuế của công ty và các bài viết có liên quan đến công ty
- Cảnh giác đối với các cuộc gọi tuyển dụng nhưng không phải công ty mà chúng ta đã nộp hồ sơ xin việc
- Khi được gọi mời phỏng vấn nên hỏi rõ hoặc sơ lược về chi tiết công việc của vị trí tuyển dụng
- Cảnh giác đối với việc tham gia vào bất kì nhóm chat nào cũng như có yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu để được trả lương
- Các công ty uy tín thường sẽ làm việc qua thư điện tử, do đó khi được yêu cầu cài đặt hay bấm vào các đường link dẫn không rõ nguồn gốc thì nên cân nhắc không tham gia, tránh hậu quá mất tiền oan.
CÔNG TY TNHH DỊCH THUẬT – VISA KHÁNH AN
📌: 85 Mậu Thân, P Xuân Khánh, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ (Cạnh Chùa Bửu Trì, Cầu Rạch Ngỗng 1) 📞 : 02923 734 995 Zalo : 0842 224 254 Facebook: Dịch thuật – Visa Khánh An |
Ghê ha. Càng hiện đại thì mức độ gian manh lừa lọc càng tinh vi.