Đầu tư trực tiếp thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư không hề xa lạ với các nhà đầu tư nước ngoài. Trước khi thực hiện hình thức đầu tư này cần chú ý những nội dung gì? Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài ra sao? Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gồm những gì? Đó là những câu hỏi mà Dịch thuật – Visa Khánh An sẽ giải đáp trong bài viết này.
Nhà đầu tư nước ngoài là gì? Những hình thức tổ chức kinh tế nào mà nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập tại Việt Nam?
Theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020, khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” được xác định là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khác với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn và chỉ được thành lập một số tổ chức kinh tế mà sau khi thành lập, nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông như: Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, và Công ty Hợp danh.
Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế phải tuân theo một số quy định cơ bản sau đây:
- Tổ chức kinh tế được thành lập không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư năm 2020 và điều ước quốc tế về đầu tư.
- Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư năm 2020.
- Điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Điều kiện về nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần trải qua 2 bước thực hiện và thời hạn giải quyết trong 15 ngày làm việc (kể từ ngày hồ sơ hợp lệ).
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập tổ chức kinh tế
Trình tự thực hiện
– Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
*Trường hợp nộp trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư: Nhà đầu tư đăng ký tài khoản trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; kê khai thông tin, tải văn bản điện tử đã được ký số trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; hoàn thiện hồ sơ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư);
– Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
1. Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
2. Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
3. Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
4. Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
5. Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư; (nếu có)
6. Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; (nếu có)
7. Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong cả hai hình thức nộp trực tiếp và trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Trình tự thực hiện
– Bước 1: Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Thành phần hồ sơ
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bạn có thể liện hệ Khánh An qua các thông tin bên dưới để được tư vấn cụ thể về trình tự, thủ tục được tiến hành nhanh chóng nhé!
CÔNG TY TNHH DỊCH THUẬT – VISA KHÁNH AN📌: 85 Mậu Thân, P Xuân Khánh, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ
(Cạnh Chùa Bửu Trì, Cầu Rạch Ngỗng 1) 📞 : 02923 734 995 📧 : dichthuatkhanhan@gmail.com Zalo : 0842 224 254 Facebook: Dịch thuật – Visa Khánh An |
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh mới nhất năm 2024
- Thủ tục thành lập chi nhánh công ty mới nhất năm 2024
[/ux_text]